UBND TP HẢI DƯƠNG
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 2,042,510 (Hôm nay: 42 online: 07) Toàn huyện: 160,909,817 (Hôm nay: 437 online: 332) Đăng nhập

CHỦ ĐỀ: CHÀO MỪNG NGÀY SINH NHẬT BÁC 19-05

TÊN SÁCH GIỚI THIỆU: “BÚP SEN XANH ”

        I.Mục đích, yêu cầu:

       Cuốn sách giúp bạn đọc nói chung và các em học sinh nói riêng thấy được làng quê xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Chùa quê ngoại, làng Sen quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó ta thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn của Bác từ trong mái ấm gia đình và hoàn cảnh đất nước lầm than lúc bấy giờ. Từ đó giáo dục thế hệ trẻ không ngừng học tập và phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại để xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp và văn minh đúng theo nguyện ước của Người.

II. Nội dung:

“Các em học sinh thân mến !”

        Để chào mừng ngày sinh nhật Bác Hồ 19/05 thư viện nhà trường xin giới thiệu đến quý thầy, cô và các em học sinh cuốn sách được mang tên: “ Búp sen xanh” do nhà văn Sơn Tùng tập hợp và biên soạn. Cuốn sách có khổ sách  13x19cm, với độ dày là 363 trang sách và được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2004.

       Búp sen xanh là cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công và nổi tiếng nhất của nhà cách mạng, nhà văn Sơn Tùng. Nhà văn Sơn Tùng không xa lạ với bạn đọc cả nước và ông được biết đến là cây bút viết về Bác Hồ nhiều nhất, thành công nhất. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ quyết liệt, tác giả Sơn Tùng là phóng viên chiến trường ở Quân khu 4 và Đông Nam Bộ, đến năm 1971 ông bị thương nặng và được đưa ra miền Bắc chữa trị. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng ông không ngừng sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học và thành công hơn hết vẫn là về đề tài Bác Hồ, mà đỉnh cao là Búp sen xanh. Ông “thai nghén” cho tác phẩm này từ năm 1948, và hoàn thành vào năm 1980.

           Búp sen xanh là một cuốn tiểu thuyết viết về một nhân vật lịch sử nhưng lại không chỉ đơn thuần là lịch sử. Một cuốn tiểu thuyết viết cho lứa tuổi thiếu nhi nhưng lại có thể làm rung động người đọc ở bất kì độ tuổi nào. Đó chính là cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng - nơi tiểu thuyết và lịch sử giao thoa để cùng nhau cụ thể hóa và trọn vẹn hóa quá trình hình thành một nhân cách cao đẹp, sáng trong của lãnh tụ Việt Nam… Búp sen xanh là cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công và nổi tiếng nhất của nhà cách mạng, nhà văn Sơn Tùng

          Tác phẩm tái hiện lại cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh từ lúc cất tiếng khóc chào đời tại làng Chùa quê ngoại, cho đến khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

          Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đọc cuốn Búp sen xanh là lời đề từ trang trọng của nhà văn Sơn Tùng Trong mọi bản in của Búp sen xanh: "Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời". Qua tác phẩm, nhà văn đã minh chứng cho bài học ấy, nhẹ nhàng, gần gũi mà vô cùng sâu sắc, uyên thâm.

         Khác với các cuốn sách viết về Bác Hồ, Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng lại đem đến cho chúng ta những góc nhìn khác, những hình ảnh khác của vị lãnh tụ vĩ đại: gần gũi hơn, thân thương hơn mà cũng thần kỳ hơn.

“Trời có thấu chăng trời!

Nước Nam cơ khổ nhiều đời đắng cay.”

         Bên gốc cây đa đầu làng Chùa, tiếng đàn bầu réo rắt bay lên theo lời ca của ông Xẩm. Trong ngôi nhà nhỏ phía đầm sen, tiếng rên theo từng cơn đau đứt đoạn, chị nho Sắc đang thời chuyển dạ. Cậu bé Côn ra đời, hòa âm tiếng khóc trong tiếng gà gọi con lên ổ, tiếng bò gọi bê vào chuồng, tiếng chim kêu ríu rít trên mái nhà, tiếng lá reo, tiếng đồng xa vọng về…

         Với một thứ ngôn từ vừa mộc mạc như đất, vừa vững chãi như núi – Sơn Tùng đã phác họa một cách sắc sảo, sống động, và đầy chân thật những năm tháng đầu đời của vị cha già dân tộc Việt Nam, bằng thể loại văn học đặc biệt gọi là tiểu thuyết lịch sử.

         Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại tiểu thuyết, chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử. Đồng thời đó là tiểu thuyết, không thể giản đơn và sơ lược về sự kiện và nhân vật như truyện sử hay ký sự lịch sử, mà còn tái hiện sinh động cuộc sống con người đi cùng  không khí thời đại. Có tâm hồn, có cá tính, có trang phục, có nhà ở, có đồ dùng, có lời ăn tiếng nói, có bài ca, có trò chơi…

          Đọc tiểu thuyết lịch sử Búp sen xanh, độc giả được sống, thể nghiệm với làng quê xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Chùa quê ngoại, làng Sen quê nội của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm… Và, còn tưởng như ngửi được cả hương sen tinh khiết, chính là loại hương sen từ ngoài đầm bay theo gió pha lẫn mùi bồ kết cháy từ nồi than trong buồng chị nho Sắc tỏa ra ngào ngạt thuở ấy.

         Với ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”, “Búp sen xanh ” được viết theo dấu chân của cậu bé Côn thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và dần định hình nhân cách. Để đến ngày 05/06/1911, tại Bến Nhà Rồng, có một chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường giải phóng dân tộc.

         Tựa như những thước phim quay chậm, “Búp sen xanh ” đưa chúng ta quay trở về thời thơ ấu của Bác Hồ. Đó là một cậu bé Côn sáng dạ, thông minh nhưng cũng rất nghịch ngợm khi còn ở làng Sen bên ngoại. “Côn” có nguồn gốc từ sự tích loài cá hóa chim bằng, mong rằng có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công, nên tự là “Tất Thành”. Tên của Bác do ông ngoại – cụ đồ Hoàng Xuân Đường đặt cho – cái tên đã vận vào Người

          Cậu bé Côn là ngườu dẫn đầu đám trẻ trong làng đi phá tổ chim, trêu chó… để rồi bà hàng xóm sang tận nhà nặng lời xúc phạm khiến cậu bị cha phạt nặng. Nhưng rồi cũng chính cậu bé ấy vào một năm làng mất mùa đã lén xúc gạo nhà mình mang cho bà hàng xóm khi thấy bà đang phải ăn thân chuối cầm hơi.

          Đó là một cậu bé Côn tuổi lên 10 một mình chăm sóc người mẹ bệnh nặng và em trai út mới sinh những ngày ở kinh thành Huế. Thế rồi mẹ cậu không qua khỏi, cậu phải bế em đi xin sữa của những người có con nhỏ trong làng. Đêm giao thừa năm ấy, trong khi xung quanh người người nhà nhà quây quần ấm úng thì cậu bé ấy đã cô đơn, sơ hãi đón giao thừa trong căn nhà lạnh lẽo, không còn hơi ấm của mẹ và trên tay cậu, tiếng khóc của người em trai đang đuối dần rồi tắt hẳn.

           Đó là một thầy giáo trẻ nhiệt huyết dạy chữ ở trường tiểu học Dục Thanh, Phan Thiết – một vùng đất biển cực Nam Trung Bộ đầy nắng gió. Người thầy giáo ấy luôn là người đầu tiên quan tâm, lo lắng khi học trò của mình gặp chuyện, luôn là người đầu tiên buồn lòng khi học trò của mình phạm lỗi. Cái mà thầy Thành truyền đến học trò của mình không chỉ là những con chữ mà còn cả tình yêu nước, những bài học làm người, những câu truyện dân gian từ xa xưa mà thầy nghe được khi còn ở tuổi thiếu niên.

         Đó là một chàng thư sinh nho nhã từ bé đến lớn chỉ quen sách đèn nhưng lại quyết tâm từ bỏ nghề dạy học để chấp nhận làm phu khuân vác tại bến Nhà Rồng đến anh phụ bếp trên tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-re-vin. Nếu ở lại, anh vẫn sẽ là một cậu ấm con quan có thể hưởng một cuộc sống an nhàn, vương giả nhưng tiếng gọi của tổ quốc đã thôi thúc anh ra đi, rời xa gia đình, rời xa quê hương, bỏ lại cả mối tình ngắn ngủi với Út Huệ – người con gái Sài Gòn vẫn hay thẹn thùng nhờ anh dạy chữ để đến với những phương trời xa lạ, đến với những nền văn minh mới, tìm ra con đường giải cứu dân tộc.

          Với Búp sen xanh, càng đọc và nghiền ngẫm, người đọc nhận ra chân giá trị sâu sắc của tác phẩm. Trong cuộc đời mỗi con người, giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành là rất quan trọng bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách, tâm hồn của mỗi con người. Tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng chỉ đề cập từ thời niên thiếu đến ngày Bác ra đi tìm đường nước, tưởng sẽ chỉ thuyết phục bạn đọc nhỏ tuổi song tác phẩm vẫn có sức hút kỳ lạ với độc giả mọi lứa tuổi ngay từ khi tác phẩm ra đời đến nay. Người đọc nhận ra qua từng cử chỉ, lời nói đầy tình thương, kính yêu của cậu bé Côn với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà, với bạn bè cùng trang lứa, cô bác hàng xóm láng giềng. Người đọc "sống" lại từng hoàn cảnh đáng thương của Bác như cảnh mới mười tuổi đầu, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, bế em đi xin sữa...

          Vốn là một cuốn sách ban đầu dụng ý viết cho thiếu nhi, được trao giải đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi, nhưng Búp sen xanh đã vượt ra ngoài những giới hạn của một tác phẩm thiếu nhi. Tác phẩm có nhiều tình tiết khiến cho bất kỳ con cháu lạc hồng nào cũng có thể rung động đến rơi nước mắt, nhất là đêm chia ly, khi người con từ biệt cha ra đi để tìm một con đường cho chính mình và cho dân tộc. Một phần cuộc đời, trọn vẹn lý tưởng và dấn thân. Búp sen xanh không chỉ là câu chuyện về lãnh tụ, đây còn là câu chuyện để làm người.

           Đọc Búp sen xanh ta thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn của Bác từ trong mái ấm gia đình và hoàn cảnh đất nước lầm than lúc bấy giờ. Với Búp sen xanh, thông qua những câu chuyện trong cuộc đời thời thơ ấu của Bác để nhà văn khái quát sự hình thành nhân cách Bác Hồ, các yếu tố hun đúc nên một con người cả đời đau đáu vì dân, vì nước... Trải qua đã bao thời gian nhưng những trang sách của Búp sen xanh vẫn luôn là bài học lớn về một nhân cách lớn của một bậc Đại nhân, đại trí, đại dũng ngay từ thuở thiếu thời đến lứa tuổi hai mươi của Người, đấy là những viên gạch làm nền móng cho “Cả đời người là cả nước non”.

           Cuốn sách “ Búp sen xanh” nằm trong tủ sách đạo đức tại thư viện nhà trường. Rất mong nhận được sự đón đọc nhiệt tình của quý thầy, cô và các em học sinh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP HẢI DƯƠNG
Trưởng ban biên tập: Lê Thị Mỹ Phương- Trưởng phòng GD&ĐT
Địa chỉ: Số 106- Trần Hưng Đạo- TP Hải Dương | ĐT: (0320) 3853 711 | Website: tphaiduong.haiduong.edu.vn | Email: haiduong@haiduong.edu.vn
Đăng nhập